메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Brick by Brick

2024 SPRING

KIẾN TRÚC SƯ CHOI WOOK – NGƯỜI KHÁM PHÁ KHOẢNG TRỐNG

Kiến trúc sư Choi Wook – Giám đốc điều hành ONE O ONE Architects – nói rằng kiến trúc phương Tây có tính hình tượng nhưng kiến trúc Hàn Quốc thì không thể diễn giải bằng điều đó. Ông cố gắng thể hiện lối biểu đạt kiến trúc kiểu Hàn Quốc trong những công trình do mình thiết kế. Do đó, thay vì tập trung vào những hình thức thẩm mỹ thị giác, ông luôn khám phá những không gian đặc trưng của Hàn Quốc thông qua trải nghiệm và trực giác.
Choi Wook

Kiến trúc sư Choi Wook quan tâm đến bố cục không gian hơn là diện mạo trực quan của tòa nhà. Ông hướng đến những trải nghiệm cảm xúc trong không gian thông qua mối quan hệ giữa công trình và mặt đất, sự giao tiếp giữa bên trong và bên ngoài công trình, giữa cảm xúc và màu sắc.
ⓒ Texture on Texture



“Căn phòng suy tư” mở tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc vào tháng 11 năm 2021 là nơi trưng bày hai bức tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đồng mạ vàng trầm ngâm trong tư thế ngồi bán già được chế tác vào cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII. Chúng lần lượt được công nhận là Bảo vật Quốc gia số 78 và số 83. Bước vào căn phòng màu đất sét này sau khi đi qua một hành lang tối, khách tham quan sẽ thấy nụ cười của các vị bồ tát trầm ngâm được người Hàn Quốc yêu mến.

“Căn phòng suy tư” được thiết kế đầy táo bạo với việc trưng bày không cần tủ kính giúp người xem thưởng lãm hiện vật từ góc nhìn toàn cảnh 360 độ nhưng vẫn cân nhắc đến sự an toàn của Bảo vật Quốc gia, vừa sử dụng phương thức trưng bày mới vừa bảo tồn ý nghĩa và giá trị độc đáo của tượng Phật. Tổng thể căn phòng mang lại cảm giác vượt qua thời gian và không gian. Chiều dài không gian nơi khách tham quan chiêm ngưỡng tượng Phật là 24m, bằng chiều dài của một rạp hát nhỏ đủ để khán giả có thể quan sát rõ biểu cảm của diễn viên. Hai bức tượng Phật được đặt so le nhau trên một bệ hình bầu dục. Sàn và trần nhà dốc khoảng 1 độ hướng lên phía tượng Phật. Tường được hoàn thiện bằng những vật liệu hấp thụ ánh sáng như đất, than. Nhờ vậy mà chỉ có tượng Phật bằng đồng mạ vàng mới phát sáng bên trong phòng triển lãm.

Xem xét quy định về phòng cháy chữa cháy, người ta đã ốp trần nhà bằng thanh nhôm thay vì để bề mặt trần phẳng rộng và đen. Nhờ những thanh nhôm được ốp sát nhau tạo ra cảm giác bầu trời đêm mênh mông bao trùm không gian triển lãm.

“Tôi muốn thoát khỏi cách phối cảnh theo quy tắc thị giác trong thiết kế. Mọi người có xu hướng di chuyển một cách tự nhiên khi không có tâm điểm thị giác, cũng giống như khi chúng ta thực hiện nghi lễ đi vòng quanh tháp Phật (nghi lễ cầu nguyện và thể hiện sự tôn kính công đức của Đức Phật, sau này phát triển thành trò chơi dân gian của Hàn Quốc – chú thích của người dịch). Tôi tập trung vào việc chuyển tải bầu không khí tâm linh hơn là tuân thủ những nguyên lý hình học nghiêm ngặt.”

Kiến trúc sư Choi Wook – người thiết kế không gian triển lãm này – đã vượt ra khỏi phương pháp phối cảnh của phương Tây và thể hiện cách tiếp cận cụ thể hóa cảm giác về không gian.

Phòng chiêm ngưỡng yên tĩnh của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

“Căn phòng suy tư” của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc được đánh giá là đã tạo nên bước ngoặt mới trong phương thức triển lãm. Một không gian được tạo ra để có thể quan sát các hiện vật từ góc nhìn 360 độ, khoảng cách giữa hiện vật và khách tham quan cũng đã được tính toán cẩn thận.
Được cung cấp bởi ONE O ONE Architects, ảnh Kim In-chul

Khám phá kiến trúc Hàn Quốc

“Tôi đã theo học tại Viện Đại học Kiến trúc Venice, một trong những đại học vang danh ở châu Âu thời điểm đó với đội ngũ trí thức và chuyên gia kiến trúc hàng đầu. Khi nghiên cứu kiến trúc phương Tây vốn dựa trên logic và chủ nghĩa duy lý, tôi nhận ra rằng đó là một hệ thống kiến trúc rất khác với Hàn Quốc. Lối thiết kế không gian sử dụng phương pháp phối cảnh xuất hiện từ thời Phục Hưng, và từ đó mặt tiền trở thành yếu tố kiến trúc quan trọng. Thế nhưng kiến trúc Hàn Quốc dường như không quá đề cao yếu tố mặt tiền, và tôi nghi ngờ rằng chúng ta có một hệ thống khác.”

Một nhạc sĩ đương đại mà Choi Wook tình cờ gặp trên bậc thềm Thư viện Andrea Palladio ở Vicenza hồi còn du học ở Ý đã hỏi ông một câu rất thú vị.

“Anh ấy hỏi tôi rằng âm nhạc Hàn Quốc thực sự rất kỳ lạ phải không? Anh ấy cho rằng âm nhạc phương Tây tạo nên sự hài hòa bằng cách để các nốt nhạc tương tác với nhau, còn trong âm nhạc Hàn Quốc thì năm nốt nhạc trong thang âm ngũ cung chạy đua với nhau mà không có bán cung để kết nối. Sau này tôi mới biết đó là thủ pháp song chiếu. Chúng khác biệt rõ rệt với các sáng tác của phương Tây.”

Choi Wook đã dần dần được thỏa mãn niềm khao khát tìm hiểu thêm một cách đúng đắn về kiến trúc Hàn Quốc khi ông đi thực địa kiến trúc sau khi du học về. Ông chú tâm đến nền móng của công trình và cách mà chúng được xây dựng phù hợp với địa hình tự nhiên nhiều triền dốc của Hàn Quốc. Phong cảnh của những khu đất được tạo nên từ những mảnh đất nhỏ đặc biệt có sức mê hoặc đối với ông. Đầu những năm 2000, ông bị sốc khi thấy những ngôi nhà hanok ở Bukchon nhanh chóng biến mất do quá trình đô thị hóa. Do đó, ông đã thành lập văn phòng tại một hanok ở Bukchon. Ông dành khoảng thời gian ấy để trải nghiệm và quan sát những nét đặc trưng của hanok, và đã thu được kết quả rõ ràng.

Chuỗi thiết kế Hyundai Library của ông, bao gồm Hyundaicard Design Library năm 2012 và Hyundaicard Cooking Library năm 2016, tập trung vào cảm nhận của các giác quan do không gian mang lại, như ánh sáng, âm thanh và mùi hương. Còn với tòa nhà văn phòng Hyundai Card Yeongdeungpo xây năm 2013, ông đã mở rộng nền của sảnh ra ngoài, xóa đi ranh giới giữa bên trong và bên ngoài tòa nhà. Nhiều tòa nhà cao tầng do ông thiết kế đều theo cùng một kiểu như vậy: các tầng thấp được thiết kế tinh tế đóng vai trò như móng nhà, phối kết hài hòa với thế đất của khu vực xung quanh; còn các tầng cao lại được làm cho nhạt nhòa hơn, làm giảm đi ấn tượng về sự tồn tại của mặt tiền tòa nhà. Tiền sảnh được thiết kế để đón ánh sáng tự nhiên từ nhiều hướng khác nhau, tạo ra một vùng không gian tràn ngập ánh sáng và không có bóng đổ vào bên trong. Trong những công trình hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây như thế này, Choi Wook đã lồng ghép cách tiếp cận thông qua trải nghiệm cảm giác của tư duy kiến trúc phương Đông.

Thư viện thiết kế thẻ Hyundai từ phòng trưng bày hiện có ở Gahoe-dong

Hyundaicard Design Library tọa lạc tại Gahoe-dong, Seoul là không gian được Choi Wook cải tạo từ tòa nhà trưng bày đã có từ trước đó theo hướng làm nổi bật vẻ đẹp của không gian trống. Cửa sổ bằng kính được lắp ở ba mặt bao quanh sân để đưa ánh sáng vào bên trong, đồng thời các vật liệu như gỗ, sắt, và thép không gỉ được sử dụng nhằm làm tương phản đặc tính vật lý của mỗi loại.
Được cung cấp bởi kiến trúc sư ONE O ONE, ảnh Namgoong Sun

Tòa nhà văn phòng Hyundai Card Yeongdeungpo

Trụ sở Yeongdeungpo của Hyundai Card được thiết kế như thể tan vào môi trường xung quanh. Sàn sảnh tầng 1 được mở rộng ra bên ngoài tạo cảm giác xóa bỏ ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài tòa nhà. Đồng thời, hệ vách bên ngoài tòa nhà làm lu mờ sự hiện diện của tòa nhà cao tầng, giúp nó như lẫn vào các tòa nhà khác xung quanh.
Được cung cấp bởi One O One Architex, ảnh Namgoong Sun

Dòng chảy của không gian

“Trong kiến trúc truyền thống Hàn Quốc, mặt cắt ngang của nền đất và nền nhà chi phối đặc điểm và kích thước của không gian cũng như sự chuyển động của con người trong không gian ấy. Nghe có vẻ bình thường, nhưng trước tiên chúng tôi phải cố gắng tìm hiểu về khu đất và môi trường xung quanh, để từ đó nỗ lực tạo nên sự gắn kết giữa mảnh đất nơi tòa nhà tọa lạc và những mảnh đất liền kề, hay nói cách khác là tạo ra sự kết nối liên tục của mặt cắt nền đất. Sự phù hợp giữa kết cấu của sàn nhà với nhiệt độ và màu sắc của không gian cũng là một vấn đề quan trọng.”

Sulwhasoo, thương hiệu của nhà sản xuất mỹ phẩm Amore Pacific, đã khai trương cửa hàng đại bản doanh (flagship store) đầu tiên “Ngôi nhà của Sulwhasoo” tại Gahoe-dong, Seoul vào năm 2022. Không gian nơi đây thể hiện rõ nét cách tiếp cận kiến trúc mà Choi Wook đang theo đuổi. Đây là dự án cải tạo ngôi nhà hanok Hàn Quốc được xây từ thập niên 1930 trên một con phố chính và ngôi nhà xưa kiểu phương Tây xây từ thập niên 1960. Vấn đề ở đây không chỉ là hợp nhất hai ngôi nhà của hai thời kỳ khác nhau mang hai phong cách khác nhau, mà quan trọng là tạo ra dòng chảy không gian giữa chúng.

Ông tạo ra dòng chảy thông suốt của không gian bằng cách thống nhất nền của tổ hợp hai ngôi nhà theo phần nền của ngôi nhà Hanok đã có sẵn và phá bỏ bức tường dài 6m để nối thông sân giữa của ngôi nhà hanok phía trước với ngôi nhà kiểu phương Tây trải dài phía sau. Việc xây tầng hầm ở ngôi nhà kiểu phương Tây để kết nối với sân giữa của hanok vô cùng khó khăn, nhưng nó lại giúp giải quyết được vấn đề cấu trúc của ngôi nhà. Thêm vào đó, ông còn trăn trở làm thế nào để có thể làm bật lên một cách tối đa vẻ đẹp của ngôi nhà hanok, và cuối cùng đã cho lắp đặt cửa đi và cửa sổ bằng kính trong suốt để ta có thể nhìn xuyên suốt cả hai căn nhà theo đường chéo mà không bị khuất tầm mắt. Cũng nhờ vậy mà trên đường đi từ Hanok đến căn nhà kiểu phương Tây, ta có thể nhìn thấy những phong cảnh khác nhau, điều mà Choi Wook gọi là “nhất bộ nhất cảnh”. Đây là con đường đi dạo được cảm nhận bằng các giác quan của cơ thể.

Ngôi nhà của Sulwhasoo

Ngôi nhà của Sulwhasoo (còn gọi là dự án Gahoe-dong Duzip) là công trình thể hiện rõ nét hành trình khám phá việc thể hiện không gian mang tính Hàn Quốc của kiến trúc sư Choi Wook. Để hợp nhất ngôi nhà hanok và ngôi nhà theo kiểu phương Tây thành một không gian, ông đã cho dỡ bức tường ngăn cách hai ngôi nhà và tạo ra một khoảng sân ở vị trí đó để kết nối chúng với nhau.
Được cung cấp bởi One O One Architecture, ảnh Kim In-chul

DNA – “Bộ gen di truyền” độc nhất

Quan điểm về kiến trúc của Choi Wook dần được cụ thể hóa thông qua việc xuất bản Domus Korea, một ấn bản địa phương của tạp chí thiết kế kiến trúc Ý Domus với sự tài trợ của Hyundai Card. Tạp chí đã xuất bản tổng cộng 12 số, bắt đầu từ số tháng 11 năm 2018 đến số mùa thu năm 2021. Đây là cơ hội tốt để ông cùng các nhà phê bình, nhà văn, và kiến trúc sư khác trăn trở về các đặc điểm kiến trúc Hàn Quốc mà ông đã tìm kiếm trong suốt quãng thời gian dài. Với công việc này, ông đã phát triển nên những từ khóa như đất đai, nền đất, song song, hội tụ, cảm giác về khoảng không gian trống.

“Có thể nói đó là cách thể hiện sự tôn trọng của một người đã sống ở đất nước này. Thay vì cố gắng nói lên khái niệm lớn lao về “Hàn Quốc”, tôi quan tâm “bộ gen di truyền” văn hóa độc nhất của vùng đất này và muốn đón nhận chúng.”

Choi Wook bắt đầu từ việc tìm hiểu về đất rồi sau đó thể hiện những chủ đề phản ánh rõ nhất đặc điểm của đất thông qua kiến trúc. Điều này thuộc về lĩnh vực kinh nghiệm và trực giác, không thể giải thích được bằng logic. Những kinh nghiệm và trực giác vốn chỉ có thể diễn đạt bằng các từ ngữ mơ hồ đã được ông cụ thể hóa bằng những con số chi tiết và những cấu trúc phức tạp đầy tính thuyết phục thông qua trải nghiệm về không gian. Hai ngôi nhà riêng của ông – Ngôi nhà có tường cao (Buam Residence) ở Buam-dong, Seoul và Ngôi nhà bên bờ biển (The Seaside House) ở Goseong-gu, tỉnh Gangwon-do – là những nguyên mẫu thể hiện rõ nét tính chất của kiến trúc mà ông muốn tạo ra.

Như ông đã từng nói, “Kiến trúc Hàn Quốc được tạo ra dựa trên việc phân tích các điều kiện của địa điểm, mối quan hệ của ánh sáng, công năng của công trình... thế nên điều quan trọng là bầu không khí của không gian đó chứ không phải mặt tiền của ngôi nhà”, những ngôi nhà riêng của Choi Wook không có hình thức bên ngoài ưu việt mà thay vào đó là một bầu không khí của trực cảm đến từ sự liên kết giữa những không gian trong ngôi nhà, ánh nắng, gió, tiếng chim hót, và sóng biển hiện lên đầu tiên trong tâm trí.

“Tai Soo Kim, người từng thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia Gwacheon, đã nói điều này từ lâu. Ông cho rằng tuy người ta nói thời của những bậc thầy đã đi qua, thời của chủs nghĩa hiện đại đã bắt đầu, nhưng thực ra chủ nghĩa hiện đại đã kết thúc vào những năm 1980 và tiếp sau đó là thời của “auto-foundation”, thời mà mỗi người tự xây dựng nền móng cho riêng mình. Tôi cũng có những kỷ niệm riêng từ thời thơ ấu. Tôi cũng nói với các thành viên của ONE O ONE rằng những kỷ niệm sâu sắc, những trải nghiệm của cá nhân quan trọng hơn thị hiếu. Ta nên kiến tạo và diễn giải tác phẩm của mình bằng câu chuyện của chính mình.”

The House with Chukdae

Ngôi nhà có tường cao (The House with Chukdae) – nhà riêng của kiến trúc sư Choi Wook tọa lạc tại Buam-dong, Seoul – cho thấy rõ kiểu kiến trúc mà ông theo đuổi. Tận dụng địa hình của khu đất, ngôi nhà được giảm tối đa tường rào khiến gia chủ có thể cảm nhận được trọn vẹn sự thay đổi của các mùa. Trong ảnh là không gian ăn uống được vợ chồng ông sử dụng.
Được cung cấp bởi One O One Architex, ảnh Namgoong Sun

Ngôi nhà bên bờ biển

Ngôi nhà bên bờ biển – ngôi nhà thứ hai của Choi Wook – được xây dựng nhỏ gọn để có thể hòa hợp với những ngôi nhà khác trong làng chài nơi nó tọa lạc. Các bức tường của ngôi nhà cũng được hoàn thiện bằng xi măng. Thay vì cân nhắc công năng sử dụng, ngôi nhà được lắp nhiều cửa sổ lớn để đưa cảnh biển vào trong nhà.
Được cung cấp bởi One O One Architecture, ảnh Kim In-chul

GENESIS Lounge

GENESIS Lounge của Hyundai Motor nằm trên tầng 5 của khách sạn Shilla Seoul là một không gian phỏng theo mô-típ thiết kế sân và sảnh chính của Hanok. Trần nhà sử dụng vật liệu có tính phản quang để khắc phục hạn chế về không gian bên trong của khách sạn có trần thấp.
Được cung cấp bởi One O One Architecture, ảnh Kim In-chul

Lim Jin-young CEO OPENHOUSE SEOUL
Trần Thị Như Ngọc, Phan Trọng TânDịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기